LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

BỘ Y TẾ TỔ CHỨC DÂNG HƯƠNG TẠI Y MIẾU - THĂNG LONG
Publish date 06/02/2023 | 14:16  | View Count: 2999

BỘ Y TẾ TỔ CHỨC DÂNG HƯƠNG TẠI Y MIẾU - THĂNG LONG
-----
Ngày 05.02.2023( tức 15 tháng Giêng Âm lịch), Bộ Y tế tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và kỷ niệm ngày truyền thống của những người làm công tác Y dược học cổ truyền tại Di tích Y Miếu Thăng long - Hà Nội. 
Tham dự Lễ dâng hương có đồng chí Bộ trưởng Y tế Đào Thị Hồng Lan, các đồng chí Thứ trưởng, đại diện các Vụ, Cục Y dược cổ truyền, Tổng Cục, Thanh tra, Văn phòng Ban cán sự Đảng, Văn phòng Đảng ủy Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, một số đơn vị, Hội nghề nghiệp thuộc Y Dược cổ truyền. 
Tham dự Lễ dâng hương còn có đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo cán bộ Y tế bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Châm cứu; cán bộ Phường Văn Miếu.
Y Miếu - Thăng Long là di tích lịch sử lâu đời của nền Y học Việt Nam được xây dựng dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1768). Là nơi thờ Tam Thánh và phối thờ các bậc tiên hiền thánh y các triều đại, đặc biệt hai danh y lớn của đất nước đó là Tuệ Tĩnh Thiền Sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lễ dâng hương được tổ chức từ ngày 12 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
Thiền sư Tuệ Tĩnh - tên chín là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật. Ông sinh ra tại Hương Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay). 22 tuổi thi đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông (1341-1379) nhưng không ra làm quan mà đi tu và nghiên cứu Y học, bốc thuốc chữa bệnh cứu dân. Năm 55 tuổi (1385), đã đi sứ triều Minh, vẫn tiếp tục làm thuốc, đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu nhà Minh và được vua Minh phong là "Đại Y Thiền Sư". Ông đã xây dựng nhiều ngôi chùa làm nơi chữa bệnh cho nhân dân và ông có công lao to lớn trong việc xây dựng nền y học Việt Nam theo quan điểm tự chủ, độc lập phù hợp với thực tế Việt Nam
- Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Hưng ( nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), sinh ngày 27 tháng 12 năm 1720 tại quê mẹ tỉnh Hà Tĩnh, mất ngày 15 tháng Giêng năm 1791, thọ 71 tuổi.
Với suy nghĩ "mình trót làm ông thầy thuốc thì làm cho hết cái sức của mình, dựng nên một lá cờ tươi thắm trong y giới". Với lý tưởng cao cả là "chỉ muốn người đời không có bệnh", ông đã để lại cho hậu thế những bài học quý báu về phương pháp tiếp cận chữa bệnh: chuẩn đoán kỹ càng, toàn diện, điều trị lấy bồi dưỡng nguyên khí, sức đề kháng của bệnh nhân làm căn bản và khi cần phải dùng thuốc  mạnh để "công tà". Ông là người kế tục xuất sắc sự nghiệp y học của Tuệ Tĩnh, là tấm gương sáng về y đức, tài năng về y thuật. Tổng hợp thành tựu y học dân tộc từ trước thế kỷ XVIII với các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, vận dụng sáng tạo các thành tựu y học nước ngoài vào điều kiện cụ thể của đất nước, ông đã xây dựng được nền y học Việt Nam toàn diện về cả lý luận và thực tiễn, được phát triển cho đến ngày nay.