TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

XÂY DỰNG CHUẨN MỰC ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH NGƯỜI HÀ NỘI
Publish date 18/10/2023 | 16:03  | View Count: 466

Ngày 13/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Củng cố lối sống, cách ứng xử trong gia đình

Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam. Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo, một số giá trị đạo đức đứng trước nguy cơ bất ổn. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nhiều phức tạp. Từ năm 2018 - 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 711 vụ bạo lực gia đình, trong đó 284 vụ bạo lực về tinh thần, 397 vụ bạo lực về thân thể, 7 vụ bạo lực về tình dục, 23 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em.

Năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để thực hiện. Năm 2021, thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ và Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo.

Qua 4 năm thí điểm và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị. Riêng năm 2022, tổng số hộ toàn thành phố là 2.090.892 gia đình, trong đó có 88% đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% Tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).

Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay

Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố thời gian qua đã thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong quá trình triển khai Bộ tiêu chí đã xuất hiện nhiều điển hình tốt.

Đó là, gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Thị Tỵ, huyện Đông Anh, là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” điển hình tại vùng ngoại thành Hà Nội. Đại gia đình gồm 10 người sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong thôn xóm noi theo.

Gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) cũng là gia đình 4 thế hệ sinh sống trong một mái nhà. Để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người xung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đó là đạo lý về hiếu thảo, trên kính dưới nhường, người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng. Gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây nhiều thế hệ đến nay.

Để triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các cấp ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đều tích cực vào cuộc. Bà Nguyễn Thị Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm cho biết, xã tổ chức đăng ký đến từng hộ về xây dựng gia đình văn hóa và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Cuối năm, việc bình xét tổ chức công khai với sự tham gia của các hội, đoàn thể, đại diện dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng. Địa phương đẩy mạnh triển khai các phong trào, cuộc vận động: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt”, Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”… Vì vậy, tỷ lệ đạt gia đình văn hóa của xã Kim Sơn trên 95% và 100% các thôn, tổ dân phố đều đạt thôn, tổ dân phố văn hóa.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh khẳng định, những kinh nghiệm tại tọa đàm cùng với kinh nghiệm của các cấp cơ sở, đặc là các gia đình sẽ được nhân rộng, lan tỏa. Qua đó, góp phần hữu ích trong xây dựng văn hóa gia đình trên địa bàn Hà Nội, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh./.

Báo Tin tức